Trầm Tử Thiêng, người viết “Kinh Khổ”

Ngày thứ Bảy
17 tháng 12-2005 tại San Jose có tổ chức đêm văn nghệ dành cho các nhạc
phẩm của Duy Khánh và Trầm Tử Thiêng. Chúng tôi sẽ tham dự và nghĩ rằng
những đêm chủ đề như thế nếu chúng ta biết một đôi chút về tác giả thì
sẽ cơ hội thưởng thức đậm đà hơn. Và tôi chọn viết bài về Trầm Tử
Thiêng. Thêm vào đó, tôi có đôi chút tình nghĩa với bài Kinh Khổ. Bài
nhạc đúng như tên gọi. Hát lên như tiếng cầu kinh. Nhịp điệu trầm thống,
lời nhạc lạ lùng và hết sức đau khổ.


Tác giả viết về một đất nước mà con dân từng đàn lũ cứ lần lượt ra đi, rồi lần lượt trở về. Và sau cùng là những tha ma mộ địa.



Ngày xưa, khi tôi còn ở tuổi niên thiếu. Pháp đánh Nam Ðịnh. Mẹ tôi
giục dã ông bố tản cư. Bà cụ nói, người ta càng ngày càng đi hết. Rồi
sau cùng nhà tôi cũng chạy về quê ngoại. Chúng tôi chôn cất ông cụ ở
huyện Yên Mô, rồi bỏ Kháng Chiến về Tề. Bởi vì người đi càng lúc càng
thưa dần. Người về mỗi lúc một đông hơn. Ðó là lời Kinh Khổ.

Rồi chuyến di cư vào Nam cũng thế. Rồi chuyến chạy qua Mỹ cũng vẫn
lập lại những lời ca của bài Kinh Khổ. Người vượt biên lúc đầu còn thưa,
sau lại đông dần. Chết bao nhiêu cũng cứ đi. Biết bao nhiêu là thân xác
thủy táng biển Ðông. Rồi chuyện về thăm quê hương. Lúc đầu thì ít, bây
giờ người về đông hơn. Nhưng ai về cũng kêu than, nhưng rồi cũng cứ về.
Về rồi lại qua. Bởi vì Kinh Khổ đã tiên tri như thế.

Một bà 65 tuổi lãnh tiền già nhưng vẫn còn trẻ nói oang oang ở chỗ
mua vé máy bay: “Suốt đời khổ sở, bây giờ về Việt Nam một tháng cho
sướng.” Hỏi rằng tại sao về với cộng sản mà lại sung sướng. Bà trả lời
ngay: “Tôi về quê tôi chứ tôi đâu có về với cộng sản. Về Việt Nam để làm
người Mỹ chứ ở đây ai biết mình là Mỹ.”

Và cứ như thế dòng đời trôi đi. Người đi một lúc một thưa dần. Người
về ngày một đông hơn. Nhưng không có ai ở lại. Về rồi lại đi. Chỉ còn
lại những nấm mồ.

Lời nhạc gì mà cứ như những lời mặc khải trong kinh thánh. Ðó là bài Kinh Khổ tiên tri về thân phận Việt Nam.

Tôi không phải là người thông thạo về chuyện văn nghệ nên có lần hỏi
cô Khánh Ly ai là tác giả bài Kinh Khổ nghe mà não nùng như thế? Có phải
của Trịnh Công Sơn? Cô Mai nói đây là bài của anh Lợi. Anh Lợi nào? Thì
Nguyễn Văn Lợi tức là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đó.

Tôi bèn xem lại di sản của nhà soạn nhạc đặc biệt này và chợt thấy
gia tài của ông phong phú và độc đáo biết chừng nào. Trên 200 bài ca,
tất cả đều mượt mà, duyên dáng pha một chút triết lý và tình yêu quê
hương chân thành của một người thực sự sống bằng nội tâm.

Ðọc một loạt các tựa bài ca mới thấy mình quả là loại thính giả bạc
bẽo đã bao năm không hề biết đến cuộc đời một người soạn nhạc đã dành
cho ta những giây phút rung động quý giá như vậy.

Nhạc tình của Trầm Tử Thiêng bất hủ với bản Hương Ca vô tận, Hát Nữa
Ði Hương đã bao năm tháng chiến chinh theo chân người lính rong ruổi dặm
trường.

Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu.

Cuộc phân ly may lắm thì qua mau.

Trong khi ngày xưa cô Nhã Ca nằm nghe tiếng đại bác thâu đêm thì anh
Nguyễn Văn Lợi, gầy ốm, hiền lành ngồi viết nên những lời ca trác tuyệt:

Dù em ca nỗi buồn quê hương,

Hay mưa giăng thác đổ đêm trường.

Ðọc tiểu sử của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chúng ta chỉ thấy một cuộc đời bình thường nếu không nói là quá cô đơn và nghèo khổ.



Ông sinh năm 1937 tại Quảng Nam, đi học, đi lính ngành Chiến tranh Chính trị rồi biệt phái về Bộ Giáo Dục.

Sau năm 1975, ông ở lại rồi 10 năm sau vượt biên năm 1985. Sau thời
gian ở trại tỵ nạn, ông đến Mỹ sống được 15 năm và qua đời năm 2000,
hưởng thọ 63 tuổi. Chưa lãnh tiền già Hoa Kỳ, chưa bước chân qua thế kỷ
thứ 21. Sống chết trước sau dường như có một mình.

Ðó là cuộc đời của con người viết nên bản nhạc Kinh Khổ, đã sống một cuộc đời kham khổ như một nước Việt đau thương.

Vì sống nhiều với nội tâm, cô đơn, không gia đình vợ con, không lên
xe xuống ngựa, nên nhạc của ông dù là tình yêu quê hương, dù là tình yêu
đôi lứa, thẩy đều ray rứt, trầm thống.

Nhạc tình của ông như tiếng thì thầm của con sông hỏi chuyện chuyến
đò, như duyên quê chân đất bước thấp bước cao, hay giây phút tiễn người
ngoài ga, “em lên tàu đi, buồn kín các toa dài.”

Riêng phần cuộc đời của nhạc sĩ cũng như lịch sử đất nước với những
nét tiêu biểu thể hiện bằng câu chuyện một cây cầu đã gẫy của thời chiến
tranh. Khi đất nước thanh bình lại phải vượt biên để chỉ thấy toàn là
những giờ tuyệt vọng dù rằng tác giả đã cố gắng ca ngợi chút tin vui.

Một trong các bản nhạc tỵ nạn của Trầm Tử Thiêng với tính cách thời
sự bi thảm là bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” để nói về thời kỳ hải
ngoại góp sức xây dựng làng Việt Nam tại Phi Luật Tân.

Nhạc sĩ đã rất tâm đắc viết lên những chữ vui mừng hết sức cay đắng
là “Người đã cứu người.” Những tác phẩm của ông suốt 40 năm đã được các
ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn đem đến cho giới thưởng ngoạn những
giây phút xúc động vì những giá trị cả nhạc lẫn lời ca và tâm tình của
tác giả.

Một bản nhạc khác lôi cuốn mãnh liệt mà Trầm Tử Thiêng đã viết chung với Trúc Hồ, Việt Dzũng là bản “Bên em đang có ta.”

Ðây là bài hát viết cho trẻ em mồ côi tỵ nạn nhưng có thể gọi là một
thông điệp lịch sử của người Việt gửi cho quê hương Việt Nam. Trên sân
khấu Asia, các nghệ sĩ danh tiếng đồng ca và mỗi người thay phiên hát
một câu đã ghi dấu cho lần ra mắt bài hát lịch sử xúc động nhất ở hải
ngoại.

Nếu chúng ta hãnh diện về một nền văn học hải ngoại thì bài ca này là
một điểm son về bộ môn ca nhạc trình diễn. Mặc dù là một nhạc sĩ lớn,
có một gia tài âm nhạc phong phú để lại nhưng bác Nguyễn Văn Lợi hiền
lành của chúng ta không phải là người đã từng hưởng vinh quang của ánh
đèn sân khấu.

Trong giới làm văn học nghệ thuật, chúng ta có thể chia ra các nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ trình diễn.

Các ca sĩ, diễn viên là nghệ sĩ đứng, các nghệ sĩ trình diễn ra trước
ánh đèn sân khấu, tuy có vất vả nhưng luôn luôn xiêm áo xênh sang với
lời ca tiếng nhạc hòa trong tiếng vỗ tay như sóng biển rạt rào. Và lợi
tức còn thánh thót hơn cả những tràng pháo tay.

Các văn sĩ, nhạc sĩ sáng tác là các nghệ sĩ ngồi. Bên ngọn đèn khuya,
nóng lạnh bốn mùa đều cô đơn mà làm việc. Vì ngồi một chỗ nên quần áo
cũng chẳng quan tâm, nhan sắc cũng không cần lưu ý. Và tiền bạc thì
chẳng thấy bao giờ. Ðó chính là hoàn cảnh của bác Trầm Tử Thiêng tức là
thầy Nguyễn Văn Lợi.

Nếu được như Nhật Trường, vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, đã hào hùng
trong quân phục áo dù hoa với mũ đỏ để lên sân khấu mà ở lại C-harlie.
Lúc thì áo mưa vắt vai, đi lại trên màn ảnh nhỏ mà tưởng chừng như đang
ngồi trên Phá Tam Giang. Chàng làm cho bao nhiêu cô em gái Sài Gòn thẫn
thờ chờ đợi.

Hay như là bác Duy Khánh cũng vừa viết nhạc vừa trình diễn đã làm cho cô gái Huế bước đi không đành.

Nhưng bác Lợi của chúng ta không có cơ hội hào hoa như thế. Lúc còn
thanh niên chỉ suốt đời đi xe đạp. Ði dạy nhạc cũng chỉ có chiếc xe đạp
cũ, lưng đeo ba lô, thêm mì gói phòng xa. Từ xứ Huế mà vào đến xứ Sài
Gòn.

Và gần như ông giữ phong thái Tây Ba Lô suốt cả cuộc đời. Khi Trần
Thiện Thanh mất đi mới ngoài 60 mà tưởng như một người tài hoa mệnh yểu,
ra đi khi còn quá trẻ. Ai nấy đều tiếc thương. Nước mắt chan hòa ở xứ
Bolsa.

Khi bác Trầm Tử Thiêng ra đi cũng tuổi ngoài 60, ai cũng tưởng là một
cụ già đã hưởng đủ phúc lộc thọ của cuộc đời. Vì vậy ông ra đi nhẹ
nhàng và ít người lưu ý ngoài giới văn nghệ thân hữu.

Rõ ràng là cùng đợt tuổi nhưng phần số mỗi người một khác. Anh Nhật
Trường ra đi còn để lại những mối tình. Bác Trầm Tử Thiêng ra đi chỉ để
lại cho chúng ta một tình yêu mênh mông giữa con người và đất nước. Giữa
con người với con người. Ông đã viết nên những lời não nùng nhất của
nhân loại.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.

Lời cầu kinh vừa có người nghe.

Trái tim ơi, đất trời lồng lộng.

Chờ đêm đêm biển hát tình ca.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.

Bao sinh linh nhận phép giải oan.

Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ.

Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người.




Trong cuộc sống tha hương ở hải ngoại, món ăn tinh thần của những con
người Do Thái da vàng Việt Nam là văn học nghệ thuật mà trong đó lời ca
tiếng nhạc đã nâng đỡ dân tỵ nạn bốn phương.

Hàng triệu người Việt di dân trên 100 quốc gia trong suốt 30 năm qua đã tiếp tục nghe tiếng quê hương qua văn nghệ.

Trong số những người Việt đó có 100 ngàn người tại Thung Lũng Ðiện Tử với San Jose là kinh đô của điện toán thế giới.

Trong số những nhà soạn nhạc giữ cho chúng ta nhưng vần Việt ngữ tràn
đầy đau khổ, yêu thương đó có thầy Nguyễn Văn Lợi, quê đất Quảng Nam.
Khi còn sống cũng như lúc ra đi đều không hề vướng bận ồn ào. Trong cõi
tử sinh, chiến tranh và hòa bình, lúc ở quê nhà hay vượt biên ra hải
ngoại, trước sau vẫn chỉ có một mình.

Trong giới thưởng ngoạn nhạc của ông, cũng đã có những người ngồi
nghe tiếng hát mà khóc một mình. Và trong các ca sĩ cũng có những người
lúc tập hát nhạc của ông cũng khóc một mình trong một niềm trống vắng
mênh mang của Hương Ca Vô Tận. Ai Mà Biết Ðược, Hát Nữa Ði Em hay là
Khóc Nữa Ði Em.




Nhân dịp cuối năm, cảm thông với tâm tình của các nhạc sĩ miền Trung
đã ra đi, anh em nghệ sĩ đất Quảng của San Jose đã ngồi lại làm đêm văn
nghệ Duy Khánh và Trầm Tử Thiêng. Chữ nghĩa của đại nhạc hội gọi là Ðêm
Người Thương, Người Nhớ.

Và thêm một bước nữa, anh em lại có ước vọng làm một DVD cho đêm nhạc
chủ đề kể trên. Phần lớn sẽ sử dụng phương tiện cây nhà lá vườn. Phần
quay phim kỹ thuật hoàn toàn Việt Nam của Newland Production đã đành,
dàn ca sĩ cũng đa số là sản phẩm San Jose hoặc xuất thân từ San Jose.

Sau 20 năm văn nghệ và kỹ thuật với Thúy Nga, Asia hay Vân Sơn, ngành
Video Việt Nam ở hải ngoại đã tiến vượt bực, kéo theo cả nền Video
trong nước.

Những năm trước nghe nói làm một cuốn phim Video Việt Nam loại xuất
phẩm các đại công ty phải chi đến một triệu Mỹ kim. Tôi không tin. Tuy
nhiên, sau một lần lên coi Asia làm phim tại thủ đô, thấy tiền chi cho
rạp, cho công ty quay phim của Hoa Kỳ. Quả thực bạc triệu là điều có
thật. Và những chi phí lớn lao như vậy đã làm cho những tay làm phim
Video tỉnh lẻ không thể cạnh tranh nổi.

Nhưng lần này các bạn trẻ xứ Quảng với Tài Văn Kiên cùng với nhóm anh em tại San Jose quyết tâm lên đường.

Ðại công ty như Asia, Thúy Nga ở miền Nam Cali ngồi họp bàn ngân
sách, các vị tổng giám đốc như cô Tô Ngọc Thủy, anh Trúc Hồ ấn định ngân
sách cố gắng giữ trong phạm vi trên dưới một triệu Mỹ kim. Ở miền Bắc
ông Tài Văn Kiên ngồi thảo luận với anh em kỳ này sẽ chi ra tối đa 10
ngàn Mỹ kim cho cả hai ông Trầm Tử Thiêng và Duy Khánh.

Với tiền bạc như thế thì khi sản phẩm hoàn tất mà thành công tạm được cũng phải coi là phép lạ.

Ông bầu Quảng Nam vừa đạo diễn, vừa chạy dây âm thanh, vừa đích thân
cầm máy đang cùng anh chị em từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng
Ngãi và Thừa Thiên quyết đem tên tuổi của các nhạc sĩ miền Trung đã qua
đời để làm một cuốn DVD mở đầu cho nhóm tài tử San Jose.

Rất nhiều hy vọng là phải xuất sắc hơn cuốn số 1 của Thúy Nga Paris ra mắt hơn 20 năm về trước.

Trong giới anh chị em văn nghệ tại Bắc Cali, ông Tài Văn Kiên không
phải là người có nhiều vốn liếng đầu tư. Cũng không phải là người khéo
ăn khéo nói, nhưng tấm lòng chân thật và sự kiên trì quyết tâm của chàng
trai xứ Quảng thì không ai sánh kịp. Còn về mặt bên ngoài xập xệ thì
ông Kiên cũng có vẻ Tây Ba Lô như thầy Nguyễn Văn Lợi.

Trong lịch sử làm phim trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với những
xuất phẩm hàng trăm triệu Mỹ kim, nhưng đôi khi những cuốn phim một
triệu của các tay tài tử cũng đã từng làm rung động màn bạc thế giới.

Lần này anh em xứ Quảng quay DVD sẽ có những thước phim xúc động,
nhưng không có các đại tài tử, không có sân khấu vĩ đại hoành tráng.
Không những thế, ca sĩ còn phải góp cả tiền đặt cọc sân khấu. Ðó là
trường hợp cuốn DVD Người Thương, Người Nhớ sẽ bắt đầu quay vào cuối năm
2005 tại San Jose.

Dù sao thì đối với nghệ sĩ nghèo, chỉ có tấm lòng vì nghệ thuật mà cố
sức quý vị nhạc sĩ đồng hương Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng sẽ phù hộ cho
hậu sinh lên đường.

Người khác thì không biết ra sao chứ với thầy Nguyễn Văn Lợi tức nhạc
sĩ Trầm Tử Thiêng mà ban tổ chức dù hết sức lợi dụng tên tuổi của thầy
mà chỉ còn đủ tiền ăn mì gói thì thầy cũng vui lòng. Bởi vì ngày xưa
trong ba lô của thầy cũng luôn luôn chỉ còn một bao mì gói cuối cùng.

Chúng ta đã từng thưởng thức Thúy Nga, Asia và Vân Sơn, lần này xin
đến xem ca sĩ của Newland khóc nữa đi Hương tại một rạp nhỏ bé và khiêm
nhường nhất San Jose. Xem các anh em xứ Quảng làm ăn ra sao. Và đồng
thời đón coi xem cuốn DVD Người Thương Người Nhớ sẽ đạt tới mức nào.

Ðã bao phen chúng ta đã quen thuộc với các bài giới thiệu chương
trình văn nghệ vĩ đại, thành công vượt bực, sân khấu hoành tráng, kỹ
thuật công phu, và vốn sản xuất lên đến hàng triệu Mỹ kim.

Bây giờ, xin mời quý vị đến nghe nhạc của Duy Khánh-Trầm Tử Thiêng
vào lúc năm cùng tháng tận ở nơi đất khách quê người. Cả hai nhạc sĩ
miền Trung đều đã ra đi cộng lại hai nỗi buồn không thể thành được một
ngày vui. Chỉ còn lại một đêm Người nhớ Người thương với vốn sản xuất
không quá 10 ngàn Mỹ kim để làm ra một đĩa DVD có thể giá bán mua được
một thùng mì gói cúng thầy.

Mong rằng Newland sẽ cố gắng dựng lại cây cầu đã gẫy với rất nhiều nỗ lực và mênh mông một biển ân tình.

Và xin mời quý vị đến để nghe Kinh Khổ của Trầm Tử Thiêng đất Quảng và theo chân về Huế một lần với Duy Khánh.

Giao Chỉ – San Jose 2005

*

*     *
Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng - Kinh Khổ & 30 Tình Khúc Hay Nhất Thu Âm Trước 1975 

00-Khánh Ly - Kinh Khổ

01-Thanh Thúy - Trộm Nhìn Nhau

02-Băng Châu - Lời Của Mẹ - Rồi Hai Mươi Năm Sau

03-Thái Châu & Diễm Chi - Hòa Bình Ơi Việt Nam Ơi

04-Thanh Lan - Mộng Sầu

05-Thái Châu - Trên Quê Hương Hòa Bình

06-Duy Khánh - Mai Kia Hòa Bình

07-Phương Dung - Bảy Ngàn Đêm Góp Lại

08-Thanh Lan & Trầm Tử Thiêng – Ai Biểu Anh Làm Thinh

09-Hoàng Oanh - Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy

10-Duy Khánh - Cách Biệt

11-Thanh Lan - Đời Không Như Là Mơ

12-Phương Dung - Mùa Xuân Trên Cao

13-Thanh Lan & Trầm Tử Thiêng – Cuối Ngày Trên Phố Đìu Hiu

14-Sơn Ca - Ta Đã Gặp Mùa Xuân

15-Trầm Tử Thiêng – Nhà Người Góa Bụa

16-Thanh Lan & Trầm Tử Thiêng – Trong Đám Xuân Xanh Ấy

17-Lệ Thu - Hối Tiếc

18-Thuở Em Hờn Tủi - Trầm Tử Thiêng

19-Thanh Lan - Tưởng Niệm

20-Hương Lan - Những Con Đường Trắng

21-Trầm Tử Thiêng - Quên Hay Nhớ

22-Hà Thanh – Con Quốc Việt Nam

23-Thanh Lan & Trầm Tử Thiêng – Em Không Còn Gì Đâu

24-Trầm Tử Thiêng – Biển Tối

25-Băng Châu - Quê Hương Ngày Em Lớn

26-Duy Khánh - Vùng Trước Mặt

27-NGƯỜI MANG TÊN CÔ ĐƠN (Trầm Tử Thiêng)

28-Thanh Lan & Trầm Tử Thiêng – Ngày Không Thấy Mặt Trời

29-Trả Lời Thư Em (Trầm Tử Thiêng) - Duy Khánh

30-Yêu Dấu Chưa Nguôi - Trầm Tử Thiêng
*

*     *
Trầm Tử Thiêng 1986

TƯỞNG NIỆM
Ta nghiêng tai nghe lại cuộc đời

thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới

Ta nghiêng vai soi lại tình người

thì bóng chiều chìm xuống đôi môi

Đang mân mê cho đời nở hoa

chợt bàng hoàng đến kỳ trăn trối

Đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy

bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay
Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ

Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ

Bàn tay làm sao níu, một đời vừa đi qua

Bàn tay làm sao giữ, một thời yêu thiết tha…
Mang ơn em trao tình một lần

là kỷ niệm dù không đầm ấm

Mang ơn em đau khổ thật đầy

là nắng vàng dù nhốt trong mây

Mang ơn trên cho cuộc đời ta

vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ

Trong cơn đau một vùng nhang khói

kéo ta về, về cõi hư vô……


– “Bước Chân Việt Nam”, bản quốc ca cho những người
Việt Nam thống khổ, lưu vong.

“Cộng Sản là Cộng Sản.

Không có việc Cộng Sản ngày

hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”.

(Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng)




Tính đến ngày 25
tháng 1-2019 năm nay, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng bỏ chúng ta ra đi đúng 19 năm. Trầm
Tử Thiêng là một người đã sống một cuộc đời khắc khổ, đạm bạc pha đôi chút cô
đơn, lúc ra đi bình thản, lặng lẽ nhưng đã để lại cho đời một kho tàng âm nhạc
vĩ đại. Vĩ đại không ở chỗ nhiều người nghe, nhiều người thuộc như các tác giả
thời danh khác, mà ở ông tấm lòng của một người lưu lạc, luôn luôn tin tưởng
vào đất nước một ngày mai. Nơi ông, suốt đời và nhất là những năm cuối cùng,
hai chữ Việt Nam luôn luôn như một lời réo gọi chứa chan thương yêu ngọt ngào
và đầy hy vọng.
Nguyễn Văn Lợi
(tên thật của ông) ra đời tại quận Ðại Lộc, Quảng Nam năm 1937, đã lớn lên và
trải qua thời thơ ấu trong Liên Khu Tư Nam Ngãi, những năm tháng chiến tranh và
ông đã hiểu thế nào là một đời sống trong chế độ Cộng Sản, nhất là với tuổi ấu
thơ. Khi mảnh đất này được tự do, ông vào Saigon theo học trường Sư Phạm Nam Việt
và trở thành một thầy giáo, chăm sóc đám trẻ thơ của đất nước. Bản chất của ông
cũng như nghề nghiệp đã đào tạo Trầm Tử Thiêng thành một người nhân hậu nhưng
thẳng thắn, cương quyết đi đến tận cùng, nếu cần để tranh đấu cho lẽ phải.
Những ca khúc đầu
tay cũng như những sáng tác trong thời gian bị động viên: “Mưa Trên
Poncho”(*).”Ðêm Di Hành”, “Quân Trường Vang Tiếng Gọi” đã đưa ông từ quân trường
về Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm Lý Chiến, nơi ông có thể đành tất cả thời gian cho
việc sáng tác và sinh hoạt âm nhạc của ông. Tuy ở trong một môi trường mà những
ca khúc của ông có thể phổ biến mạnh mẽ trên thị trường để đem lại no ấm cho
ông như các nhạc sĩ thời thượng vào lúc bấy giờ, Trầm Tử Thiêng đã chọn con đường
đi của mình. Ðó là Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ của thời đại với những nỗi buồn vui
chung, không phải của riêng ai. “Ðưa Em Vào Hạ”, “Chuyện Một Chiếc Cầu Ðã Gãy”,
“Hương Ca Vô Tận”, “Bài Vinh Thăng Cho Một Loài Chim”… là những ca khúc của một
thời chinh chiến mà những người như Trầm Tử Thiêng đã sống và cảm nhận, trang
trải với những âm thanh làm xúc động lòng người.
Tháng 4 năm 1975,
bản thân của Trầm Tử Thiêng hoà vào niềm đau chung của cả dân tộc, ông là một
trong những người vượt biển, tù đày, bị lao động cưỡng bức trên nông trường.
Ðây là giai đoạn ông viết “ Tâm Ca Của Người Tù Vượt Biển”, “Hành Ca Trên Nông
Trường Oan Nghiệt”, “Du Ca Trên Thành Phố Ðỏ”…Bối cảnh những cuộc vượt biển,
chia ly, chết chóc thể hiện trong: “Gởi Em Hành Lý”, “Người Ở Lại Ðưa Ðò. “Mẹ Hậu
Giang”, “Trại Tỵ Nạn Galang.”
Mười năm sau biến
cố điêu linh của đất nước, Trầm Tử Thiêng đến được bến bờ của Tự Do, “Mười Năm
Yêu Em” mang ẩn dụ mười năm khao khát được thấy ánh sáng ý nghĩa của cuộc đời
nhưng đồng thời cũng cùng với những đắng cay của nó. Trầm Tử Thiêng đã sống qua
thời thơ ấu trong chiến tranh, lớn lên cùng chiến tranh và người nhạc sĩ này đã
đi theo nhịp bước của những con người Việt Nam bình thường, khoác áo trận, ngã
nghiêng vì vận nước, tù đày, xót xa cùng thân phận chung của những người vượt
biển, bỏ nước ra đi.
Ðược đến bến bờ tự
do dù là muộn màng, Trầm Tử Thiêng, người nghệ sĩ chân chính, không lo chuyện
cơm áo mà thấy mình có bổn phận của con người nhớ đến những con người còn đau
khổ. Trầm Tử Thiêng còn biết nhìn lại những trại cấm, đêm ngày đang vẳng tiếng
kêu siết của những người đói tự do, đuổi người trở lại biển khơi hay trói người
trả lại nơi khổ nhục mà nơi đó họ đã ra đi, trong chiến dịch “cưỡng bức hồi
hương” để viết nên “Nói Với Hồng Kông”, hay “Thà Chết Nơi Này”. Người nhạc sĩ
đã thoát ra từ nỗi khổ đau của riêng mình, để hoà nhập trải lòng ra với những nỗi
khổ đau của con người, đó là lúc ông nghĩ đến những đồng bào đang “mắc cạn”
trên những hòn đảo trong Thái Bình Dương, mà giấc mơ nhìn thấy ánh sáng tự do
tàn phai cùng năm tháng. Tấm lòng của Trầm Tử Thiêng lại giạt dào: “Ta Hát Tình
Thương Về Biển Ðông”!
Cho tới khi Trầm Tử
Thiêng gặp được Trúc Hồ, con người sinh ra sau ông gần một thế hệ mà gần gũi
như một người bạn tri kỷ (tuổi Trầm Tử Thiêng ngang với tuổi Trúc Giang, thân
phụ của Trúc Hồ). Cả hai cùng nhìn về những người bất hạnh hơn họ, nhìn về những
đứa trẻ thơ thiếu may mắn hơn tuổi thơ của họ, sinh ra và lớn lên trong vòng
rào kẽm gai của những trại tỵ nạn, không hề có tương lai. Xúc cảm, Trúc Hồ đã
viết nên những dòng nhạc chan chứa yêu thương, và Trầm tử Thiêng đã diễn dạt bằng
lời hát ngọt ngào, kêu gọi “Bên Em Ðang Có Ta”. Ðây không là một bản tình ca của
một người, mà là bản tình ca nhân ái dành cho đồng loại.
Cũng với tấm lòng đó,
trước khi qua đời, Trầm Tử Thiêng muốn thành lập một “foundation” mang tên ca
khúc “Bên Em Ðang Có Ta” dành cho những em bé tỵ nạn đang còn bơ vơ trong các
trại cấm. “Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng” nói lên giai đoạn “cưỡng bách hồi
hương” đã chấm dứt, khi đồng bào đã tìm được đất dung thân trên đất Phi, và đó
cũng là lời tiên tri cho những năm tháng sau cùng, nhờ sự vận động của Luật sư
Trịnh Hội và các tổ chức thiện nguyện ở hải ngoại tiếp tay cứu vớt họ đến bến bờ
tự do.
Ðánh dấu 20 năm bỏ
nước ra đi của người Việt tỵ nạn, trung tâm Asia đã thực hiện chương trình “Cuộc
Hành Trình Vượt Biển” như một tác phẩm đánh dấu nỗi gian nguy, ghi nhớ những
người đã khuất cũng như ngõ lời cám ơn những bàn tay rộng lượng khắp năm châu
đã dang tay đón nhận những người tỵ nạn. Ðó là “Bước Chân Việt Nam”, do Trầm Tử
Thiêng và Trúc Hồ viết chung, như một bản quốc ca cho những người Việt Nam thống
khổ, lưu vong. Trong niềm tin tất yếu vào tương lai, người nghệ sĩ khẳng định về
một ngày mai của đất nước, một ngày mai có tự do, dân chủ và nhân quyền, “Một
Ngày Việt Nam” hợp soạn giữa hai nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng & Trúc Hồ chính là
nỗi mơ ước ấy. Chính chúng ta, những người Việt lưu vong sẽ bước trở về theo nhịp
bước đồng hành reo vui của “Một Ngày Việt Nam” như nỗi ước mơ của bao người, thế
hệ này không thành thì hy vọng đến đời sau.
Trầm Tử Thiêng
đóng góp cho phong trào du ca không phải là ít, nhất là từ khi ra hải ngoại,
tuy ông không muốn đứng trong phong trào du ca, nhưng ông vẫn sáng tác đều và
tham gia hoạt động du ca nối dài là “hát cộng đồng”, rất được giới trẻ tham
gia, phong trào rất được phổ biến vào cuối thập niên 90 tại Hoa kỳ, nhất là
vùng California. Về phương diện chính trị, nhạc
sĩ Trầm Tử Thiêng có thái độ đứt khoát, như lời thổ lộ với bạn bè: “Cộng Sản là Cộng Sản. Không có việc Cộng Sản ngày hôm
nay tốt hơn ngày hôm qua”.
Ông
tách rời với bằng hữu nếu những người này bày tỏ
quan điểm mập mờ thân Cộng hay đi về trình diễn ở Việt Nam và ông quan niệm Cộng
Sản là nguyên nhân gây nên nỗi khổ đau của người Việt hiện đang sống trong nước
và phải sống ly hương ngày nay.
Trong giới ca nhạc,
ông lấy chữ tín làm đầu, và là người biết “trọng nghĩa khinh tài.” Ông đã từng
yêu cầu một ca sĩ đừng đến thăm ông lúc ông bệnh, đừng dự đám táng ông, đừng
hát nhạc ông vì tư cách người này đã đi ngược lại những nguyên tắc đạo đức căn
bản của ông đã đề ra trong cuộc sống.
Nhìn lại toàn bộ
nhạc phẩm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chúng ta thấy con người của ông hình như
sinh ra để sống và viết cho người khác hơn là cho cõi riêng tư của ông, và nếu
có thì cõi riêng tư đó cũng mang niềm vui hay đau xót chung của cả dân tộc. Từ
một bài hát từ quân trường của ngày nhập ngũ đến ca khúc bát ngát tấm lòng nhân
ái đối với con người và đất nước, Trầm Tử Thiêng đã đi hết con đường trong gai
góc của chiến tranh, tù đày, vượt biển và lưu vong, cho nên có thể nói toàn bộ
nhạc phẩm của người nhạc sĩ này phản ánh đời sống và tâm trạng của một con người
Việt Nam lưu vong.
Trầm Tử Thiêng ra
đi vào ngày 25 tháng 1 năm 2000 sau một thời gian chữa bệnh nan y theo cách
riêng của ông và đã chết vì kiệt lực khi mỗi ngày chỉ nhấp vài hớp giọt nước.
Trước đó, Trầm Tử Thiêng đã viết bài “Tưởng Niệm” như một định mệnh, cũng như
bài “Hẹn Nhau Năm 2000”, nhưng không phải để gặp nhau mà để bỏ bạn bè quá sớm.
Trầm Tử Thiêng chết
không trẻ, giữa lúc ông đã đến tuổi 64, nhưng hình như nơi ông, chúng ta tìm thấy
hình ảnh một ông thầy giáo khắc khổ, sống đạm bạc và cô đơn cho tới lúc cuối đời,
hơn là một người nghệ sĩ nổi tiếng hiện diện giữa đám đông hay dưới ánh đèn sân
khấu. Trầm Tử Thiêng ít bộc lộ cuộc đời riêng của ông, những mối tình ít người
biết cũng như cả bệnh tật ông mang vào những ngày cận tử. Nhưng dưới mắt bạn
bè, Trầm Tử Thiêng là một người đạo đức nhân hậu, rộng rãi và thẳng thắn, nóng
nảy, nhất là đức tính trọng nghĩa khinh tài.
Trầm Tử Thiêng ra
đi là một niềm mất mát lớn, trong phạm vi nhỏ là với những trung tâm băng nhạc
ông đã cộng tác, mà nhất là Asia. Nếu mai sau, đất nước không còn Cộng Sản,
không còn thù hận, đố kỵ giữa con người chung một quê hương, thì những bản nhạc
của riêng ông hay viết chung với Trúc Hồ là những bản nhạc mang tính chất lịch
sử, phải được đời sau nhắc nhở.
Có thể nói, Trầm Tử
Thiêng chết đi cho đến giờ này, mười chín năm sau, cho tới giờ này, hải ngoại vẫn
chưa ai có thể thay thế ông.
Ông không còn sống
để chờ những “tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, nhưng ông đã trao lại cho thế hệ trẻ
tuổi niềm tin vào một buổi sáng bình minh của đất nước, để chúng ta có thể trở
về như lời tiên tri của ông:“người về một giờ một đông hơn!” trong bài “Kinh Khổ”.
(*) Bài “Mưa Trên
Poncho” đã đưa Trầm Tử Thiêng từ quân trường về Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm Lý Chiến-
Saigon với Tô Kiều Ngân, Đỗ Kim Bảng và sau này do Tô Thùy Yên làm Trưởng
Phòng.


HUY PHƯƠNG

(Bài viết năm 2007- Sửa chữa năm 2013 và 2019, nhân ngày giỗ của Trầm Tử
Thiêng, 25 tháng 1 Dương Lịch.)