samedi 31 mars 2012

Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp





Hồi Ký 30 Năm: Lưỡng Quốc Nhất Nghiệp



Đây là câu chuyện 30 năm của hai đời chiến sĩ: một người là sĩ quan ưu tú trong một quốc gia bị bức tử, một người là thanh niên muốn nối chí cha nhưng đất nước không còn và trở thành sĩ quan ưu tú trong một quốc gia khác. Hình trên bìa sách: Cố Thiếu tá không quân VNCH Phạm văn Hoà tự “Hoà Điện” và người con, tác giả Phạm Xuân Quang.
Đối với một người đã từng sống và chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa và chứng kiến sự nghiệp phục vụ xuất sắc của Quang trong binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thì đây là một cuốn sách đặc biệt cảm động. Mọi người Mỹ phải đọc câu chuyện này để cảm nhận rõ ràng hơn những quyền tự do mình đang hưởng."
Tướng Thủy quân Lục chiến Anthony Zini
(Nguyên Tư lệnh Lực lượng Trung ương Hoa Kỳ
(CENTCOM - trải trên một vùng rộng lớn từ Trung Á qua Trung Đông)Điểm Sách “A Sense of Duty”
A Sense of Duty – My Father, My American Journey –
Tác giả: Quang X. Phạm
Do Ballantine Books của nhà Random House xuất bản, 261 trang, giá bán $24.95

Người đọc: NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Hai người trong cùng một nghiệp – nghiệp binh đao – nhưng ở hai phương trời khác biệt.
Cả hai đều là phi công, một người là sĩ quan Không quân Việt Nam Cộng Hòa, một người là sĩ quan phi công Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Một người vừa bước vào cõi ngục tù cải tạo thì một người bắt đầu cuộc đời tỵ nạn. Một người ra khỏi trại tù sau gần 13 năm “học tập” thì một người hoàn tất việc học ở một đại học danh tiếng của Mỹ. Và nhập ngũ.
Hai người là hai cha con.
Nhờ người con - tác giả Phạm Xuân Quang - mà chúng ta được biết về những chuyện đó, và rất nhiều chuyện cảm động khác, qua một cuốn hồi ký đang được truyền thông Mỹ ngợi khen và giới thiệu.
Năm 1975, Phạm Xuân Quang cùng mẹ và ba chị em được cha đưa lên máy bay thoát khỏi Việt Nam. Năm đó, Quang chưa đầy 11 tuổi – anh sinh tháng Chín năm 1964. Năm đó, người cha cố nán ở lại để hoàn tất nhiệm vụ trong những giờ cuối và bị bắt đi tập trung học tập cải tạo. Vì cứng đầu hay không chịu ăn năn hối cải để “học tập tốt”, ông bị tù đầy khá lâu, gần 4.500 ngày. Trong khi đó, Quang cũng phải học tập một nếp sống khác, trong một vùng heo hút nghèo nàn của tiểu bang California, thị trấn Oxnard. Và không thể quên được người cha anh hùng.

Gia đình anh đã chật vật xoay trở để hội nhập vào cuộc sống mới trong khi vẫn ngoái về quê hương nghe ngóng tin tức người cha. Từ khi chập chững nói tiếng Anh bằng tay cho đến ngày tốt nghiệp Đại học UCLA, Phạm Xuân Quang không ngớt thắc mắc vì sao miềm Nam thất trận, vì sao Hoa Kỳ đã bỏ rơi một đồng minh như vậy. Đồng thời, trưởng thành trong xã hội Mỹ và trở thành một công dân Hoa Kỳ năm 1984, anh cũng ý thức được lòng rộng lượng của nước Mỹ và nhiệm vụ công dân của mình. Năm sau, Quang tình nguyện nhập ngũ và chọn binh chủng Thủy quân Lục chiến. Nuôi chí phụ thân, anh cố tranh đấu để trở thành phi công lái trực thăng.

Năm Quang tốt nghiệp sĩ quan Thủy quân Lục chiến, 1987, thì cũng là lúc người cha bước ra khỏi trại tù cải tạo vào một nhà tù lớn hơn. Và trong khi Quang thi hành nhiệm vụ tại Iraq – Chiến dịch Desert Storm, 1991 - thì người cha còn lang thang vất vưởng ở quê nhà. Hai người chỉ đoàn tụ năm sau, tại phi trường Los Angeles. Hai ngày sau, Quang lên đường, hoặc đúng hơn, ra biển, trên chiến hạm USS Tarawa, để vẫy vùng trên các đại dương, từ San Diego vượt biển Thái bình qua Ấn Độ dương trở lại vùng Vịnh và vào Somalia...
Hai cha con có được một khoảng thời gian gần gũi tại miền Nam California, khi Quang bỏ mộng hải hồ để được gần cha và làm sĩ quan tùy viên cho vị Chỉ huy trưởng Không đoàn Ba Thủy quân Lục chiến. Đây là lúc anh cùng thân phụ gặp gỡ các bằng hữu cũ của cha, với nhiều kỷ niệm cười ra nước mắt.

Đầu năm 1995, Quang giải ngũ chuyển qua hoạt dộng kinh doanh và có dịp trở lại Việt Nam, 20 năm sau vụ xẩy đàn tan nghé. Nhưng rồi anh cũng quay trở lại Thủy quân Lục chiến và hoàn thành ước mơ phi công của mình suốt bốn năm sau đó, tại căn cứ El Toro ở miền Nam California.
Như mọi chuyện hợp tan trong đời, cuối năm 2000, thân phụ anh, nguyên Thiếu tá Không quân Phạm Văn Hòa, hỗn danh “Hòa Điên”, đã tạ thế sau một cơn bạo bệnh….

Cuốn “A Sence of Duty” – xin tạm dịch là “Một Ý thức Trách Nhiệm” – là một hồi ký đặc biệt ở nhiều khía cạnh.
Đây là cuốn hồi ký viết bằng Anh ngữ của một người Mỹ gốc Việt, cựu sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ. Hồi ký là sự hồi tưởng được ghi lại trên giấy, những hồi tưởng của Phạm Xuân Quang là một sự đan lượn không dứt giữa hai cõi Mỹ-Việt, giữa chuyện của cha vào một thời đã qua và đời của con trong hiện tại trước mắt, với 32 tấm hình khá độc đáo.
Cuốn hồi ký hơn 260 trang được chia thành 24 chương thì gần phân nửa dành cho tuổi niên thiếu của tác giả, với kỷ niệm Việt Nam khi còn sống dưới mái ấm gia đình tại căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất và bị quăng vào Hoa Kỳ, miễn cưỡng trở thành người Mỹ gốc Á. Chín chương đầu là lời nói hay câu viết của một cậu bé Việt Nam, con trai của một sĩ quan Không quân anh hùng và ngang tàng, với những câu hỏi đầy ngỡ ngàng chua chát về lý do bại trận.
Mải mê theo dõi truyện kể và chuyện đời với những kinh nghiệm mà người tỵ nạn không thể quên được, độc giả bất ngờ thấy mình được dẫn qua một thế giới khác, từ chương 10 trở đi. Đó là thế giới của một thiếu niên Mỹ còn day dứt với ký ức Việt Nam trong khi ngỡ ngàng hội nhập dần vào xã hội mới và có va chạm với những phản ứng kỳ thị. Chính những phản ứng đó khiến cậu bé phải phấn đấu gấp đôi, từ trường học đến thao trường và hè phố.

Từ chương 15, và trải qua sáu chương sách, người đọc sẽ tò mò thích thú với những phát giác của một thanh niên Mỹ đầy nhiệt tình yêu nước và tòng quân nhập ngũ vì lý tưởng tự do. Chúng ta được biết đời sống quân ngũ Hoa Kỳ là như thế nào, với những mô tả và ngôn ngữ hoàn toàn Mỹ, hoàn toàn “lính tráng Mỹ”. Đây là phần lý thú nhất của cuốn sách vì mở ra một không gian hoàn toàn mới lạ cho độc giả Việt Nam, kể cả đoạn tham chiến tại vùng Vịnh để giải cứu Kuweit trong chương 18 - được tác giả đề là Trả Nợ – Payback.
Vị tướng Thủy quân Lục chiến Anthony Zinni, nguyên Tư lệnh Lực lượng Trung ương Hoa Kỳ (CENTCOM – trải lên một vùng rộng lớn từ Trung Á qua Trung Đông), đã bình về cuốn sách: “Đối với một người đã từng sống và chiến đấu với quân lực Việt Nam Cộng Hòa và chứng kiến sự nghiệp phục vụ xuất sắc của Quang trong binh chủng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ thì đây là một cuốn sách đặc biệt cảm động. Mọi người Mỹ phải đọc câu chuyện này để cảm nhận rõ ràng hơn những quyền tự do mình đang hưởng.” Xuyên qua đó, người đọc cũng hiểu tôn chỉ “semper fidelis” (luôn luôn chung thủy) và khẩu hiệu đầy kiêu hãnh của binh chủng: “The few, the Proud, the Marines”. Bà mẹ đáng kính của tác giả đã có một nhận xét rất phụ nữ – đơn giản mà chính xác – về Thủy quân Lục chiến Mỹ: “Thời chiến tranh, mình không hề thấy Thủy quân Lục chiến Mỹ ở Sàigon. Họ chiến đấu đâu đó ở mạn Bắc.”Bốn chương sau cùng của cuốn hồi ký là phần cảm động nhất, khi nói về những năm cuối của người cha và những đổi thay trong cuộc đời của tác giả. Nhờ đó, người đọc cũng biết vì sao anh phải viết cuốn hồi ký này. Nghiệp binh đao của hai cha con, tại hai quốc gia khác nhau, xuất phát từ sự thôi thúc của ý thức nghĩa vụ, cho tự do. Giấc mơ của cha bị tắt lịm thì người con đã hào hùng nối lại nghiệp ấy.
Đặc điểm nổi bật của toàn cuốn sách là Phạm Xuân Quang viết có duyên, đầy tính tự châm biếm của người Mỹ. Nhưng, ngay trong phút ngộ nghĩnh và lời diễn tả dí dỏm, độc giả chợt thấy lòng mình chùng lại vì Quang nhắc đến người cha, luôn luôn nhắc đến người cha. Ông hiện hữu âm thầm, có khi rực sáng, có khi oai hùng, có lúc ngậm ngùi, trong ngần ấy trang của cuốn hồi ký. Đó là về nội dung và bút pháp của Pham Xuân Quang.
*
Trong một buổi ra mắt cuốn sách tại miền Nam California, được tổ chức lịch sự và chu đáo theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ vào đầu tháng Tư vừa qua, tác giả có cho biết là mình đã viết hơn 500 trang, nhà xuất bản biên tập lại mất phân nửa. Có thể là họ đã gạn lọc để chú trọng vào độc giả Hoa Kỳ. Nếu đúng vậy, Phạm Xuân Quang có thể đã viết mà phải bỏ nhiều điều lý thú và bổ ích cho độc giả người Việt. Những ai muốn phiên dịch cuốn này ra Việt ngữ – điều rất đáng khuyến khích – nên hỏi tác giả để giữ lại hay lấy lại những phần đã lược bỏ.
Cũng tại buổi ra mắt, tác giả cho biết một chuyện lý thú khác.
Bản thảo đã bị nhiều nhà từ chối, khi nhà Random House đồng ý xuất bản thì lại vấp vào một vấn đề. Trên hình bìa, họ thiết trí một bản đồ Việt Nam với tên “Thành phố ****” thay vì Sàigòn. Làm sao tác giả chấp nhận được điều ấy! Thà ôm bản thảo về còn hơn. Cuối cùng, nhà xuất bản đành nhượng bộ và ta nhìn thấy tên Sàigòn ẩn hiện với chân dung của hai cha con!
Tựa đề cuốn sách - “Một Ý thức Trách nhiệm” - có thể gây ấn tượng là tác giả sách động người đọc về tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ hoặc lý tưởng tự do. Hoàn toàn không! Phạm Xuân Quang không trưng khẩu hiệu mà cũng chẳng tuyên truyền. Anh cứ bình thản kể chuyện đời mình, của hai cha con và một gia đình tỵ nạn, và duyên dáng nói về thời quân ngũ. Từ đó mình mới suy ra cái hồn tiềm ẩn bên trong: phải làm một việc gì đó cho xứng đáng với lý tưởng tự do. Nổi bật nhất là tình đồng đội, lòng tự tin và tính chuyên nghiệp của binh lính Thủy quân Lục chiến, một binh chủng tinh nhuệ và ưu tú hạng nhất của Hoa Kỳ.
Nhưng, cũng trong các chương viết về thời nhập ngũ, Phạm Xuân Quang còn làm bật sáng một khía cạnh éo le: gốc Việt tòng quân khi Mỹ chưa quên thảm kịch Việt Nam. Các bạn đồng ngũ và huấn luyện viên nghĩ sao? Bạn hay thù đây! Đoạn viết về khóa huấn luyện “mưu sinh thoát hiểm” (SERE) là phát giác bất ngờ cho độc giả. Và bàng bạc bên dưới, tác giả cho thấy tinh thần kỳ thị vẫn có, khi mình là thiếu số gốc Á, mà lại là gốc Việt Nam và lên lon khá mau.
Khi day dứt trăn trở vì số phận của phụ thân, tác giả cũng gián tiếp nêu lên nhiều nhận xét tinh tế và xác đáng về truyền thông, chính trị và những lầm lẫn của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Anh đã có đọc rất nhiều sách và tham khảo nhiều tài liệu để viết về giai đoạn này. Khi kể lại những vấp váp đến nực cười của một cậu bé đang phải Mỹ hóa, Quang gián tiếp nói đến nhiều vấn đề xã hội của Hoa Kỳ và ngợi ca sự rộng lượng của người Mỹ. Khi viết về các cuộc gặp gỡ của thân phụ với chiến hữu cũ, đoàn người từ cải tạo qua Mỹ trong diện HO, tác giả làm ta bật cười và xót xa về sự phấn đấu của họ sau khi đã phấn đấu để tồn tại ở trong tù.
Hai đoạn viết rất ngắn về ông Nguyễn Cao Kỳ và Thiếu tướng Nguyện Ngọc Loan - những thượng cấp ngày xưa của “Hòa Điên” - cho thấy tác giả là người tinh tế và cực kỳ thông minh trong sự phán đoán. Tuyệt! Một đằng là mầm sống đang vươn - Đại úy Thủy quân Lục chiến Mỹ - một đằng là bạn đồng ngũ của một người cha thần tượng, nay bị bẻ gãy kiếm và sống trong cô đơn, những cuộc gặp gỡ ấy, chúng ta đều có thấy ở ngoài đời. Nhưng khi được mô tả với sự ý nhị và cảm thương như vậy, người đọc thầm nghĩ rằng tác giả là người nhân hậu và có hiếu.

Thiếu tá Phạm Văn Hòa không cần viết hồi ký, sinh tiền hẳn là ông cũng không muốn viết. Nhưng cuốn sách của Phạm Xuân Quang thực ra cũng là hồi ký của ông vì hình bóng và sự nghiệp của ông vẫn sáng chói trên con đường mới của người con. Đây là hồi ký của hai người, một người là sĩ quan ưu tú trong một quốc gia bị bức tử, một người là thanh niên muốn nối chí cha nhưng đất nước không còn và trở thành sĩ quan ưu tú trong một quốc gia khác. Hai mảnh đời như hai mặt giấy trên một nếp gấp: ý thức trách nhiệm.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA


và muốn đọc thêm về quyển sách thì tại đây:
Hồi ký của Thiếu Tá TQLC Mỹ Phạm Xuân Quang và ảnh hưởng của cha anh


Một quyển hồi ký của một quân nhân Mỹ gốc Việt rất được giới quân đội Hoa Kỳ ưa thích, nay đã được dịch ra tiếng Việt.


Ðồng thời, cuốn sách đó, “A Sense of Duty” của Quang X. Pham, cũng được Random House tái bản với ấn bản bìa giấy, một dấu hiệu cho thấy cuốn sách có nhiều độc giả. Khác với thị trường Việt Nam , trong thị trường Mỹ, một cuốn sách thường được xuất bản lần đầu với bìa cứng, in ít bản hơn, cho tới khi cuốn sách tự chứng tỏ là ăn khách, mới được tái bản bìa giấy và in hàng loạt.

Quang X. Pham, tức Phạm Xuân Quang, mới đây ra ứng cử Quốc Hội liên bang, là một cựu thiếu tá phi công trong thủy quân lục chiến Mỹ. Thân phụ ông là cựu phi công phi đoàn khu trục 514 VNCH Phạm Văn Hòa.


Cuốn sách, với tiểu tựa “My Father, My American Journey” cho thấy thân phụ tác giả, cả về binh nghiệp lẫn cách nhìn về thế giới, ảnh hưởng đến Phạm Xuân Quang tới mức nào.


Phạm Xuân Quang hiện nay là một thương gia thành công, một triệu phú tự lập và tổng giám đốc công ty Lathian Health.


Dưới đây là trích đoạn một phần chương đầu cuốn sách “A Sense of Duty,” tựa tiếng Việt là “Ý Thức Trách Nhiệm.”




Chương dẫn nhập



Tôi sinh ra là một người Việt Nam tại một bệnh viện cổ của Pháp sáu tháng trước khi Tổng Thống Lyndon B. Johnson gởi hàng ngàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đến đất nước tôi... Tôi vẫn có thể tìm nơi sinh quán của tôi trên bản đồ. Tuy nhiên bây giờ nó đã bị đổi tên, với một cái tên quái dị, kỳ lạ, Sài Gòn. Cái tên Saigon đã bị cưỡng đoạt. Nhưng nó vĩnh viễn không bị mất, tôi có thể cho mọi người biết lý do tại sao, mà không khỏi nghẹn ngào. John F. Kennedy đã từng nói, “Chiến thắng sẽ có 100 người cha thừa nhận và thất trận luôn luôn là kẻ mồ côi.” Như là một đứa trẻ mồ côi một nửa, tôi tự bằng lòng với chính tôi, Vietnam vẫn tồn tại trong tôi bao lâu mà tôi vẫn còn sống, và tình yêu của tôi cho nước Mỹ, một người Việt Nam đối với Hoa Kỳ, và bây giờ là quê hương của tôi.

Khi tôi được hai mươi tuổi, tôi trở thành người Mỹ bởi sự lựa chọn. Thật ra tôi chỉ là một sản phẩm phụ, hiện hữu bởi sự thất bại của chính sách Hoa Kỳ ủng hộ một chế độ làm tiền đồn để bảo vệ Á Châu. Tôi vẫn có thể giữ thẻ xanh và trở thành thường trú nhân như một số ít người không muốn trở thành công dân Mỹ. Nhưng tôi biết nếu muốn gia nhập quân đội Mỹ tôi phải là công dân của nước này. Ngay từ bé giấc mơ của tôi khi lớn lên tôi sẽ trở thành một phi công như bố tôi. Tôi cũng không ngờ để theo đuổi giấc mơ này, đã giúp tôi trả ơn việc trở thành công dân Mỹ và tìm hiểu được sự thật về nghĩa vụ của bố tôi trong cuộc chiến dai dẳng. Bố tôi một lần đã viết: “Có lẽ số phận ngẫu nhiên, con đã ở cùng một đơn vị Thủy Quân Lục Chiến mà bố thường bay để yểm trợ và đã cứu thoát bố trong những ngày đầu của cuộc chiến.”

...

Ðây chỉ là một câu chuyện đơn giản của một đứa trẻ tị nạn lớn lên không cha và trở thành lẫn lộn vì nỗi nhung nhớ quê hương. Sôi nổi vì những tiếng gọi nghĩa vụ quê hương ngay cả trước khi chào đời, đứa bé được đưa vào giấc mộng của người Mỹ, mặc dầu phải trải qua những kỳ thị và những chướng ngại. Tuy nhiên sau cùng người thiếu niên này nhờ người bố thân yêu, một người lúc nào cũng dấn thân cho danh dự mà không hề đòi hỏi một sự đền bù và người thiếu niên này đã tìm được những hòa đồng.

Năm 1975, một tuần lễ trước khi quân Bắc Việt tràn ngập Saigon, mẹ tôi và ba người em gái của tôi và tôi đã đào thoát ra khỏi Vietnam. Quê hương tôi tan vỡ ra từng mảnh; hy vọng một quốc gia hoàn toàn có tự do đã trở thành vô vọng. Không hề đoán được trước là gia đình tôi trở thành một trong số hàng ngàn gia đình có thân nhân là tù nhân chiến tranh.

...

Sau cùng nỗi lo sợ kinh hoàng của chúng tôi khi rời khỏi Vietnam đã chấm dứt. Bố tôi đã bị Cộng Sản cầm tù sau khi chiến tranh kết liễu: Ông bị lên án hơn mười hai năm tại các trại tù - sau khi ông được lệnh đi trình diện học tập chỉ có ba mươi ngày. Sau khi đã lắng nghe hay giả vờ lắng nghe sự tẩy não của Cộng Sản (có mỹ từ là “cải tạo”) trong vài tháng, ông đã trải qua những năm tháng còn lại trong các lao tù khổ sai đương đầu với tất cả các chứng bệnh phù thũng, kiết lỵ, sốt rét, đói khát, đánh đập và gần kề với tử thần. Ông ta và những người cùng một thế hệ lầm tưởng Hoa Kỳ sẽ sát cánh với họ mãi mãi. Bố tôi đã phục vụ hai mươi mốt năm trong quân ngũ của miền Nam sau Ðệ Nhị Thế Chiến gần hết tuổi thanh xuân của ông. Nhưng khi ông đến được bến bờ tự do tại đây, ông chẳng bao giờ nhận được một sự chào đón chân thành, nói chi đến những quyền lợi cựu chiến binh hay hưu dưỡng.

...

Khi bố tôi qua đời năm 2000, những người bạn đồng ngũ của ông xuất hiện đông đủ để tiễn biệt ông, cũng như những người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi. Buổi chiều khi tôi đọc bài điếu văn đó là giây phút khó khăn nhất trong đời tôi: Tôi đã mất đi người bố thân yêu lần thứ hai trong đời. Tôi đứng khẽ động đậy dưới ngọn đèn của nhà quàn, đưa mắt nhìn về phía cuối phòng những người đồng đội già của bố tôi, nay không còn trong quân ngũ. Những người đã từng phục vụ chung trong phi đoàn với bố tôi hay cùng sống qua các trại cải tạo: Bao, Hoi, Thanh, Tien, Tri, Xuong, và nhiều người khác nữa. Họ đã phủ lá Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ lên quan tài của bố tôi. Tôi đọc bài điếu văn bằng Anh ngữ. Tôi đã chểnh mảng với tiếng mẹ đẻ của tôi quá lâu để có thể kể lể một cách trau chuốt về cuộc đời và sự nghiệp của bố tôi.

...

Bố tôi đã làm điều gì để ông xứng đáng cho những danh dự đó? Tại sao những người cựu quân nhân này phải bận tâm với những nghi thức quân đội? Rốt cuộc, quê hương của bố tôi đã mất cũng như những người lãnh đạo- những người được coi là đảm lược và giỏi giang nhất- là loạt người đầu tiên đã đào thoát ra khỏi Saigon, mang theo cả vợ con. Chỉ trong vòng năm mươi lăm ngày trong Mùa Xuân 1975 khi một đạo quân gồm một triệu người đã tran rã hàng ngũ một cách nhanh chóng. Ðổ lỗi cho Hoa Kỳ? Ðiều này đã từng làm, và nhiều người miền Nam vẫn tiếp tục đổ lỗi cho người bạn đồng minh. Vết thương này vẫn chưa được hàn gắn từ hàng chục năm nay trên đất nước này. Sự tháo chạy của một đồng minh?

...

Ngày 27 tháng 4 , năm 1964, bố tôi, lúc đó là trung úy không quân Phạm Văn Hòa, đã bị bắn hạ trong một phi vụ yểm trợ cho một cuộc hành quân trực thăng vận quy mô điều khiển bởi cố vấn Mỹ trong cuộc chiến bí mật của họ. Ðược cứu sống và tập trung vào binh nghiệp của ông, ông tiếp tục tung hoành trên bầu trời miền Nam thêm một thập niên nữa, cho đến khi sự may mắn của ông cũng như bao nhiêu người đồng hương khác, không còn nữa. Hơn mười hai năm cay đắng, thật ra là cả hết cuộc đời của ông, bố tôi đã trả một cái giá quá đắt của những người thất trận. Những tên cai ngục Bắc Việt đã mạt sát bố tôi bằng vô số những danh từ không ái quốc, phản bội, nợ máu, tay sai đế quốc, không tặc, và đánh thuê rẻ tiền. Chúng áp buộc bố tôi phải viết những bản tự thú nhìn nhận những tội phạm đã liên kết với chính phủ Saigon. (Những người đồng minh cũ của bố tôi và guồng máy truyền thông, báo chí Mỹ, một khi an bình trở về Hoa Kỳ, đã vẽ lên một hình ảnh tiêu cực là miền Nam tham nhũng, bất tài, một xã hội đen không xứng đáng để yểm trợ.)

...

Tôi vẫn ao ước bố tôi vẫn còn sống. Ông từ trần vỏn vẹn tám năm sau khi rời khỏi Việt Nam. Tất cả những điều này, và mặc dầu đôi lúc ông nghĩ rằng Hoa Kỳ đã bội phản ông. Nhưng không vì đó mà ông sẽ vắng mặt trong cuộc lễ khánh thành Tượng Ðài. Ông đã chiến đấu bên cạnh những người lính Hoa Kỳ tại Việt Nam và bố tôi hãnh diện về điều này.

...

Tôi chẳng bao giờ nhìn lại quá khứ và sẽ không bao giờ. Phải mất ba mươi năm tôi mới có câu trả lời cho những thắc mắc của tôi. Hoa Kỳ đã cho gia đình tôi một cơ hội làm lại cuộc đời lần thứ hai trong tự do và thanh bình và cơ hội mọi người thông cảm lẫn nhau trở lại; bố tôi và những người bạn tù của ông ta sẽ không bao giờ bị quên lãng. Ơn nghĩa ấy chúng tôi vẫn canh cánh bên lòng. Và đó là câu chuyện của hai bố con tôi.

lundi 26 mars 2012

Huyền Thoại Một Nhà Thơ

Huyền Thoại Một Nhà Thơ

Sunday, 25 March 2012 14:28

Trần Việt Trình (Danlambao) - Một ngày sau năm 1975, sau khi hai miền Nam Bắc “được” giao thông, một ông già tóc râm đang thả bộ trên đường phố Sài Gòn bỗng nghe lời ca tiếng nhạc phát ra từ một người đàn ông cụt chân với cái đàn guitar cũ kỹ hát xin tiền

Những đồi hoa sim ôi những đồi hoa sim

tím chiều hoang biền biệt

Vào chuyện ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

khi còn tóc buối vai

Mấy lúc xong pha ngoài trận tuyến ai hẹn được ngày về

rồi một chiều mây bay

Từ nơi chiến trường đông bắc đó lần ghé về thăm xóm

hoàng hôn tắt sau đồi


Lời ca nghe sao quen quá! Ông lão mới mon men đến hỏi. Thì ra là bài “Những Đồi Hoa Sim” và đó lần đầu tiên ông được nghe. Ông yêu cầu người hành khất hát lại một lần nữa. Nghe hát xong, ông vét sạch tiền trong túi bỏ vào chiếc ca nhựa và nói: “Tôi là tác giả bài thơ được phổ nhạc” rồi bước đi với đôi mắt ngấn lệ …

Ông lão già tóc râm đó là Hữu Loan.


Nhắc đến nhà thơ Hữu Loan là chúng ta nhắc đến bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đã làm say lòng không biết bao nhiêu thế hệ yêu thơ. Bài thơ chân thực và xúc động ấy có một sức sống kỳ lạ. Bài thơ kể lại mối tình của chính nhà thơ với người phụ nữ đầu tiên trong đời đầy bi kịch. Bài thơ được làm để khóc người vợ mà nhà thơ hằng yêu quý vừa bị chết thảm.

Nỗi đau vợ chết thảm ông phải giấu kín trong lòng, không được cho đồng đội biết để tránh ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của họ. Ông như một cái xác không hồn. Càng đè nén thì nỗi đau càng dữ dội hơn. Một buổi trưa năm 1949, trong thời kỳ theo kháng chiến, lúc đang đóng quân ở Nghệ An, cơn đau trong lòng ông được bung ra, ông ngồi lặng đi ở đầu làng, hai mắt ông đẫm ướt, ông lấy bút ra ghi chép. Không cần phải suy nghĩ nhiều, những câu những chữ mộc mạc cứ trào ra:

Tự chiến khu xa

nhớ về ái ngại

Lấy chồng đời chiến binh

mấy người đi trở lại !

Nhỡ khi mình không về

thì thương

người vợ chờ bé bỏng chiều quê

*

Nhưng không chết

Người trai khói lửa

Mà chết

Người gái nhỏ hậu phương

Tôi về

Không gặp nàng

Mẹ tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối

Chiếc bình hoa ngày cưới

Thành bình hương

Tàn lạnh vây quanh…


Viết bài thơ vào cái quạt giấy để lại cho người bạn, người bạn này đã chép lại và truyền tay nhau trong suốt những năm chiến tranh. Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” ra đời như vậy đó. Người vợ hiền của nhà thơ mất đi, đứa con tinh thần này của nhà thơ ra đời.

Tuy không ấn hành, nhưng bài thơ đã được truyền miệng rộng rãi và sau đó được Nguyễn Bính đăng trên tờ “Trăm Hoa”. Rồi bi kịch chiến tranh trong bài thơ đã góp phần trở thành bi kịch của đời nhà thơ.

“Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? Bọn họ xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của tôi đối với người vợ mà tôi hằng yêu quý, cho nên vào năm 1956, tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan, về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được! Tôi bỏ tôi về”. Đó là lời ông tự thuật. Năm 1988, khi có sự “Đổi mới”, ông đã viết bài “Lời Tự Thuật” gửi cho báo Lao động Chủ nhật nhưng không được đăng. 19 năm sau, nhà thơ lúc ấy đã 91 tuổi, đồng ý để Talawas công bố bài trên.

“Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi' hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi'. Bọn họ chê tôi ủy mị, hoạch hoẹ đủ điều, không chấp nhận đơn từ bỏ kháng chiến của tôi. Mặc kệ! Tôi thương tôi, tôi nhớ hoa sim của tôi quá ! với lại tôi cũng chán ngấy bọn họ quá rồi!”. Đó cũng là tâm tình của ông trong “Lời Tự Thuật”.



Những năm 1955-1956, phong trào văn nghệ sĩ miền Bắc bùng lên với sự xuất hiện của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chống chính sách độc tài, đồng thời chống những bồi bút cam tâm lừa thầy phản bạn, ca ngợi này kia để kiếm chút cơm thừa canh cặn. Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó thì ông lại đề cao tình yêu, khóc vợ, bị cho là tình cảm tiểu tư sản, phản động. Bất mãn, Hữu Loan bỏ đảng, bỏ cơ quan, bỏ về quê để trút bỏ mọi phiền muộn, làm công việc của một người thồ đá, nặng nề về thể xác nhưng thanh thản cho đầu óc.

Về quê cũng không yên, “bọn họ” (từ ông dùng) tịch thâu xe của ông, ông phải đi xe cút kít, loại xe bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước và 2 cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, nên ông phải gánh bộ. Gánh bằng vai, ông cũng cứ gánh, không chịu khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản. Đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại ông. Nhưng lúc nào cũng có người cứu ông. Thơ của ông đã có lần cứu sống ông. Có một tên công an mật được giao nhiệm vụ theo dõi để ám sát ông, nhưng tên ấy đã tìm gặp và nói với ông rằng, hắn sinh ở Yên Mô, rất thích bài thơ Yên Mô của ông viết về tỉnh Yên Bình quê hắn. Hắn thường đem bài thơ Yên Mô của ông ra đọc cho đỡ nhớ, và mỗi lần định giết ông, hắn lại nhớ đến quê mình nên lại thôi, không nỡ giết ông, từ bỏ ý định ám sát.

Lúc còn là chính trị viên của tiểu đoàn, chứng kiến tận mắt những chuyện đấu tố, ông đâm ra chán nản, không còn hăng hái kháng chiến nữa. Kháng chiến khiến chán. Ông thú thật, lúc đó ông thất vọng vô cùng.

Ông thuật lại chuyện một trường hợp một địa chủ bị đấu tố có liên quan trực tiếp đến đời ông như sau:

Lúc ấy, trong một xã thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá, gần nơi ông ở, có một gia đình địa chủ rất giàu. Ông địa chủ đó rất giàu lòng nhân đạo và rất yêu nước. Ông địa chủ thấy bộ đội sư đoàn 304 của Hữu Loan thiếu ăn, nên ông thường cho tá điền gánh gạo đến chỗ đóng quân để ủng hộ. Lúc đó Hữu Loan là trưởng phòng tuyên huấn và chính trị viên của tiểu đoàn nên phải đại diện cám ơn tấm lòng tốt của ông, đồng thời đề nghị lên sư đoàn trưởng trao tặng bằng khen để vinh danh ông. Thế rồi, một hôm, Hữu Loan được tin gia đình ông địa chủ bị đấu tố. Hai vợ chồng ông địa chủ bị đem ra đình làng cho dân xỉ vả, rồi chôn xuống đất, chỉ để lòi ra hai cái đầu, xong họ cho trâu kéo bừa qua bừa lại hai cái đầu, cho đến chết. Gia đình ông bà địa chủ bị xử tử hết, chỉ có một cô con gái 17 tuổi được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ rách. Tàn nhẫn hơn nữa, họ còn ra lệnh cấm không cho ai được liên hệ, nuôi nấng hoặc thuê cô ta làm công. Thời đó, dân chúng còn bị cấm đoán cả việc lấy con cái địa chủ làm vợ làm chồng.

Biết chuyện thảm thương của gia đình ông bà địa chủ, biết cô bé lúc còn nhỏ, Hữu Loan trở về xã để xem tình trạng cô con gái của họ sinh sống ra sao. Ông về bắt gặp cô ta áo quần rách rưới, mặt mày lem luốc, đang lom khom nhặt những củ khoai mà dân bỏ sót, nhét vào túi áo, chùi vội một củ rồi đưa lên miệng gặm, ăn khoai sống cho đỡ đói. Quá xúc động, nước mắt muốn ứa ra, ông đến gần hỏi thăm và được cô kể lại rành rọt hôm bị đấu tố cha mẹ cô bị chết ra sao. Cô khóc nức nở và cho biết ai cũng xua đuổi, không dám gần gũi cô. Cô cho hay hằng ngày cô đi mót khoai ăn đỡ đói lòng, tối về ngủ trong miếu hoang. Hữu Loan mủi lòng, bất chấp lệnh cấm, lấy cô làm vợ.

Đó là bà Phạm Thị Nhu, sống cùng ông từ đó cho đến ngày ông qua đời, có với nhau 10 người con: 6 trai, 4 gái và hơn 30 cháu nội ngoại.



Cuộc đời ông trải qua quá nhiều thăng trầm. Trong mấy chục năm dài, ông về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, vậy mà “bọn họ” vẫn trù dập, không chịu để ông yên. Ông chỉ còn biết đổ đau thương lên đá. Ông tưới rượu lên mặt đá và thề sẽ bám đá mà sống. Ngày ngày, ông nạy từng khối đá đưa lên chiếc xe cút kít thô sơ đem đi bán ở các nơi làm vật liệu xây dựng. Bán cả chục xe đá mới kiếm đủ ngày hai bữa cơm dưa muối cho đàn con. Nhiều khi ế ẩm, đá chất đầy vườn, cả tháng không ai hỏi mua. Thời gian trôi qua, Hữu Loan trở thành người thợ đá da đen đúa, chân tay chai sần, rắn rỏi, tua tủa tóc rễ tre, đi đứng nói năng mạnh mẽ hơn xưa. Cặm cụi vật lộn với núi đá, ông nuôi cả mười đứa con khôn lớn. Hơn mười năm sau cùng, tuổi đã lớn, Hữu Loan thôi không còn sức để bám núi đá nữa. Ông lui về nhà, trải chiếu trên thềm, ngày ngày ngồi nhâm nhi rượu và ngóng đợi con cháu về thăm, ngóng đợi những chuyển động đổi thay phận mình, đổi thay cho gia đình, cho làng xóm, cho nước nhà.

Vào tuổi gần đất xa trời, cuối năm 2004, công ty ViTek VTB đột nhiên đề nghị mua bản quyền bài “Màu Tím Hoa Sim” của ông với gía 100 triệu đồng VN. Đây là một sự kiện được coi chưa từng xảy ra. Từ trước tới nay chưa có bài thơ nào được mua tác quyền với giá cao đến như vậy. Vì sao một doanh nghiệp thương mãi lại đi mua bản quyền một bài thơ? Có nguồn tin cho rằng đây là một sự sắp xếp, mua chuộc, để đền bù những mất mát thiệt thòi trong mấy chục năm của ông. 100 triệu đồng đủ để ông trang trải cuộc sống, bớt đi những khó khăn về vật chất trong những năm cuối đời, và mong ông “tái xuất giang hồ”. 100 triệu đồng trừ thuế còn 90 triệu, ông chia cho 10 người con hết 60 triệu, trích một ít để in tập thơ khoảng 40 bài mang tên Thơ Hữu Loan và ông giữ lại 30 triệu phòng đau ốm lúc tuổi gìa. Sau đó cũng có một số công ty khác xin ký hợp đồng mua mấy bài thơ khác nhưng ông từ chối “Thơ tôi làm ra không phải để bán!”

Đó là con người và bản tính bất khuất của một nhà thơ nổi tiếng của văn học Việt Nam.

Màu Tím Hoa Sim là màu tang thương của một tình yêu định mệnh, một tình vợ chồng ngắn ngủi. Màu Tím Hoa Sim còn là một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc về chiến tranh, về những bi kịch trong chiến tranh. Điều đó giải thích vì sao bài “Màu Tím Hoa Sim” ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích.



Bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc, như “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh, “Áo anh sứt chỉ đường tà” của Phạm Duy và “Chuyện hoa sim” của Anh Bằng. Mỗi ca khúc một vẻ, tất cả đều đều tôn vinh thi phẩm.

Hữu Loan đi qua chín năm kháng chiến với mười bài thơ. Đó là toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Thơ của ông có niềm khát khao cháy bỏng cho một đất nước được tự do.

Thi sĩ Hữu Loan ra đi vào ngày 18 tháng 3 năm 2010, cách đây đúng 2 năm, nhưng bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” và khí phách của ông còn ở lại mãi mãi với chúng ta và sẽ còn tím mãi màu hoa sim trên dương thế. Sau 95 năm tồn tại nhọc nhằn nhưng rắn rỏi giữa cuộc đời, Hữu Loan đã nằm xuống, nhẹ nhàng và thanh thản, để lại cho đời một pho chuyện kể, thật nhưng lạ kỳ như huyền thoại, để lại cho hậu thế không chỉ di sản thơ ca mà cả một nhân cách sống. Huyền thoại một nhà thơ bất khuất.

18 tháng 3 năm 2012

Trần Việt Trình

http://danlambaovn.blogspot.com/

LQT


Màu Tím Hoa Sim-Thơ:Hữu Loan (Diễn ngâm:Hồng Vân)
Những Đồi Hoa Sim (Nhạc:Dzũng Chinh-Tiếng hát:Chiều Xuân)



Màu Tím Hoa Sim-Thơ:Hữu Loan (Diễn ngâm:Tô Kiều Ngân)
Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (Tiếng hát:Hạt Sương Khuya)

mardi 20 mars 2012

Thông báo: Biểu tình Trước Tòa Đại Sứ Việt Cộng

37 NĂM QUỐc HẬN - VIỆT NAM TÔI ĐÂU
Thông báo:
Biểu tình Trước Tòa Đại Sứ Việt Cộng
Ngày Thứ Hai 30-04-2012

Kính thưa quý Hội Đoàn Người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản tại Pháp.

Một mùa Tháng Tư Đen nghiệt ngã lại sắp trở về trên nỗi đau thân phận của những người con dân Việt, nỗi đau của sự chết, máu và nước mắt con dân miền Nam đã tuôn ra chảy dài từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, khắp nơi phủ màu tang trắng, hàng triệu người đã chết tức tưởi trong lao tù, nơi rừng thiêng nước độc hay trên vùng biển cả, bởi sự trả thù hèn hạ của loài quỷ đỏ đội lớp người, đem điêu linh về gieo tang tóc trên khắp miền đất nước.

37 năm sắp trôi qua, nỗi đau ấy tưởng chừng đã ngủ quên, nhưng không…. nỗi đau ấy vẫn âm-ỉ trong lòng những người con dân Việt, dù sống ly hương hay còn lại nơi quê nhà, thì nỗi đau ấy vẫn hằn sâu những tủi nhục đớn đau ê chề oán hận thấu trời xanh. Vết thương đã bưng mủ cùng với thời gian, để mỗi lần Tháng Tư Đen về, những vết thương ấy lại vỡ òa , làm nhức nhối những con tim mang trên mình nỗi đau Hận Vong Quốc.

30-04-1975 đã trở thành ngày Lịch Sử, ngày Quốc Hận của những người con dân Việt, ngày cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Để đánh dấu ngày tang thương ấy, và cũng để tưởng niệm bao oan hồn của quân và dân miền Nam đã nằm xuống trong ngày tháng tư đen, Người Việt Quốc Gia tỵ nạn cộng sản tại Pháp, kính mời quý Tổ Chức, quý Hội Đoàn Quốc Gia,quý đồng hương tỵ nạn cộng sản tại Pháp cùng quý cộng đồng bạn, đến tham dự cuộc biểu tình trước tòa Đại sứ cộng sản Việt Nam tại Paris…

Thứ hai ngày 30-04-2012
Từ: 16g00 – 19g00
Ngã tư : Boulevard Exelmans và Rue Boileau
75016 Paris - Métro : Exelmans, Ligne 9

Kính thưa quý cô chú bác anh chị em !

37 NĂM QUỐC HẬN - VIỆT NAM TÔI ĐÂU. Là tiếng thét gào của tất cả những người con dân Việt đang trăn trở trước hoạ diệt vong, qua sự tiếp tay ươn hèn bán đất nhượng biển của ngụy quyền cộng sản, đã được nhạc sĩ Việt Khang cất tiếng thay cho muôn triệu người, và cái giá mà anh phải trả cho sự kêu gào ấy là những tháng ngày đen tối trong lao tù cộng sản, sự hy sinh của anh không phải để mua được cho mình chút danh vọng, hay được xứng danh là một anh hùng, tiếng hát của anh là tiếng thét gào của một người con dân Việt biết thế nào là nỗi nhục vong quốc, lời ca anh là tiếng chuông thức tỉnh lòng người, anh nguyện đi mở đường cho chúng ta cùng bước tới, đừng thương cảm, đừng xót xa mà làm mất đi những giá trị hy sinh của anh, hãy nuốt vào lòng tình yêu thương nồng nàn ấy, biến đau thương thành sức mạnh bước theo nguyện vọng của anh, hãy nuôi dưỡng và gìn giữ tinh thần Việt Khang bằng hành động, hãy cùng nhau làm sống lại tinh thần đấu tranh của những ngày đầu lưu vong, cùng nhau xuống đường giơ cao tay đòi công lý cho con dân Việt, đừng ngủ quên nữa, xin hãy thức tỉnh, giờ phán xét đã đến, hãy cùng nhau xuống đường…Việt Nam Tôi Đâu….Việt Nam Tôi Đâu….. !

Kính mong Quý vị cùng tích cực tham gia cuộc Biểu tình

Tập thể người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản tại Pháp

Ðiều hành viên :
Ô. Đặng Vũ Lợi ...............ĐT:06 62 09 86 10
Ô. Trần Nghĩa Hiệp........ĐT:06 65 07 14 73
Bà Thu Sương.................ĐT:06 41 67 95 37